Công nhân hỏi: tôi là công nhân, trước đang làm ở 1 phân xưởng da dày, trong thời điểm dịch Covid-19 quay lại lần thứ 2, tôi thuộc diện F2 của 1 trường hợp dương tính virut, phải cách ly tối thiểu 14 ngày theo quy định. Trong thời gian cách ly tôi có nhận cuộc điện thoại của công ty đề nghị tạm hoãn hợp đồng lao động, tôi rất hoang mang, làm sao để bảo đảm quyền lợi của mình?
Văn phòng tư vấn PL trả lời: Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố đại dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Do đó, căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động được phép cho người lao động ngừng việc nhưng với điều kiện phải trả lương. Tiền lương ngừng việc như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
- Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, căn cứ Điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh...) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Trong trường hợp của bạn công ty đã đề nghị tạm hoãn hợp đồng (ngừng việc), bạn nên chấp nhận phương án này với điều kiện mức lương ngừng việc không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Nếu cty có tổ chức Công đoàn Việt Nam, bạn có thể đề nghị CĐ quan tâm theo dõi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.