Báo cáo viên triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS
Tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.224 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và được quản lý tại các xã/phường/thị trấn, 1.265 người nhiễm HIV đã tử vong. Số người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm có độ tuổi trẻ hóa cao trung bình từ 16 đến 40, đường lây truyền chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu và từ mẹ sang con. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0.20% dân số (2.489 ca HIV/AIDS so với dân số 1.238.740), toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 86.3%) so với 127/139 xã, phường có người nhiễm HIV (chiếm 91.4%). Riêng huyện đảo Trường Sa chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV/AIDS. Năm 2021, nhận định là năm rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và HIV/AIDS nói riêng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, năm 2021 dự kiến sẽ là năm bản lề và có nhiều bứt phá, nhằm tiến tới loại trừ đại dịch HIV/AIDS tại Khánh Hòa vào năm 2030.
Thực hiện những điểm mới trong hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS
Năm 2020, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cả nước đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, có thể kể đến: Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được Quốc hội thông qua; Thông tư 20 được chấp thuận, trong đó có TLD trong danh sách thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. TLD đã được chứng minh là một loại thuốc ưu việt cho những người nhiễm HIV. Đưa PrEP (thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV) đến những người cần nó nhất. Dịch bệnh HIV/AIDS đã được kiểm soát. Kết quả này được minh chứng bằng tỷ lệ rất cao là 95% người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đây là một trong những tỷ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. PEPFAR mong đợi tiếp tục hợp tác và hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và phấn đấu đạt được mục tiêu 95-95-95 trong những năm tới, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Thông tư số 22/2020/TT-BYT đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành quy định việc mua sắm tập trung thuốc quốc gia nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Thông tư này thay thế Thông tư 28/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 và Thông tư 08/2018/TT-BYT ngày 08/4/2018. Thông tư được ban hành nhằm: hài hòa lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc theo Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong lập nhu cầu sử dụng thuốc trại trung ương và địa phương (Cơ sở y tế, cơ quan đầu mối PC AIDS các tỉnh, thành phố, Sở Y tế, Cục PC HIV/AIDS); quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu ( Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia); Phân cấp trách nhiệm điều tiết thuốc kháng HIV cho các tỉnh, thành phố; Làm rõ quy trình thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm và nhà thầu; Đơn giản hóa quá trình thanh quyết toán phần cùng chi trả thuốc kháng HIV; Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện Thông tư 28/2017/TT-BYT và Thông tư 08/2018/TT-BYT.
Đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm và giám sát dịch
Hoạt động xét nghiệm và giám sát dịch (trong đó có giám sát trọng điểm) là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Khánh Hòa. Nhờ làm tốt công tác này, mà Khánh Hòa từ một trong 04 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm cao nhất nước (giai đoạn 1994-2000), đến nay Khánh Hòa đã nằm ngoài tốp có ca nhiễm HIV cao. Trong suốt 20 năm qua, công tác giám sát xét nghiệm luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sâu sát, đặc biệt là công tác giám sát trọng điểm.
Năm 2020, công tác giám sát trọng điểm HIV/STIs trên khai trên 02 nhóm nguy cơ cao là Phụ nữ bán dâm (FSW) và Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại 03 thị xã/thành phố (Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh) với tổng mẫu HIV là 300 mẫu; số mẫu giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là 750 mẫu; số mẫu giám sát phát hiện (bao gồm tư vấn Lao/HIV, lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn tại cộng đồng) 49.589 mẫu. Phát hiện có 18 MSM và 02 FSW dương tính với HIV; có 12 MSM và 01 FSW dương tính với Giang mai; 01 FSW dương tính với Trùng roi; 02 FSW dương tính với Chlamydia. Tổng số lượt người được tư vấn, xét nghiệm HIV trong năm đạt 49.589 lượt, trong đó có 279 lượt dương tính với HIV chiếm tỷ lệ 0.56%. So với năm 2019, số nhiễm mới HIV được phát hiện trong năm 2020 tăng 21.1% và số người tử vong do AIDS tăng 33.3%.
Để đảm bảo chất lượng số liệu giám sát phát hiện HIV, trong năm 2021 Khoa phòng, chống HIV/AIDS – Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa tiếp tục triển khai rà soát số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS tại thành phố Nha Trang, loại bỏ những trường hợp trùng lặp, bổ sung và cập nhật thông tin những trường hợp còn lại như mất dấu, chuyển đi, tử vong, những trường hợp ảo. Đồng thời, những thông tin sau khi rà soát đã được cập nhật vào phần mềm HIV 3.1 và báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.
Chương trình cấp phát vật dụng can thiệp
Tiếp tục đẩy mạnh vận động các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cùng chung tay tiếp sức, mở rộng hành lang pháp lý cho chương trình cấp phát miễn phí bơm kim tiêm, bao cao su tại cộng đồng. Củng cố và mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) theo hướng phối hợp giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (KCDC), Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) với Trung tâm y tế các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm tư vấn và giới thiệu 40 đối tượng/tiếp cận cận có hành vi nguy cơ cao đến với các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Bên cạnh đó, duy trì đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế thôn, bản, cán bộ chuyên trách AIDS tại các tuyến xã/phường trọng điểm, mạng lưới tiếp cận viên thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tuyến tỉnh.
Năm 2021, thông qua mạng lưới CBO dự kiến sẽ cấp phát hơn 1 triệu BKT sạch và thu gom 700.000 chiếc BKT đã qua sử dụng để tiêu hủy theo đúng tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế và cấp phát 1 triệu BCS và chất bôi trơn cho đối tượng có nguy cơ cao tại cộng đồng hướng tới mục tiêu giảm 10% số nhiễm HIV phát hiện mới qua tiêm chích ma túy và giảm 5% số nhiễm HIV qua quan hệ tình dục so với năm 2020.
Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone
Được triển khai tại tỉnh Khánh Hòa từ năm 2017, đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng. Làm giảm tỷ lệ người nghiện chích ma túy nhiễm HIV, các vụ cưới giật liên quan đến người nghiện chích giảm rõ rệt, số người nghiện ma túy tham gia chương trình có việc làm ổn định ngày càng tăng,…điều đó minh chứng cho sự thành công bước đầu của chương trình tại Khánh Hòa.
Tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 03 cơ sở tư vấn và điều trị, 02 cơ sở cấp phát thuốc, hơn 1.252 bệnh nhân tham gia điều trị, số bệnh nhân tuân thủ điều trị và uống thuốc thường xuyên tại các cơ sở là 501 bệnh nhân. Trong thời gian tới, KCDC sẽ mở thêm các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc, nhằm mở rộng độ bao phủ của chương trình đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia điều trị được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
PrEP là chữ viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis, là hành vi sử dụng thuốc trước các hành vi nguy cơ có khả năng phơi nhiễm với HIV như QHTD hoặc tiêm chích mà không dùng các biện pháp phòng ngừa. Đây là cách để người sử dụng bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày. Nếu sử dụng đều đặn và đúng cách PrEP có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV tới 90% người sử dụng.
Dùng PrEP rất đơn giản, uống mỗi ngày 1 viên và duy trì suốt thời gian có nguy cơ lây nhiễm, 07 ngày sau khi sử dụng, thuốc có tác dụng dự phòng tối đa đối với QHTD qua đường hậu môn. Với QHTD qua đường âm đạo, thời gian để thuốc phát huy tác dụng tối đa là 21 ngày kể từ khi bắt đầu sử dụng
PrEP được triển khai tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019 và mở rộng độ bao phủ ra các huyện/thành phố: Cam Ranh và Ninh Hòa từ năm 2020. Hiện tại toàn tỉnh hiện có 37 người tham gia điều trị PrEP. Qua thời gian ngắn cho thấy, phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của người sử dụng rất khả quan.
Trong năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh, để các nhóm yếu thế và người có nhu cầu được tiếp cận phương pháp mới trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV(PrEP), đồng thời góp phần giảm nhẹ cho công tác chăm sóc và điều trị tuyến đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa.
Công tác truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng
Được ví như là “quả đấm thép” trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, trong những năm công tác truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng đã được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua các chương trình hoạt động mang tính chuyên sâu. Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đã không còn đơn lẻ, rời rạc,…mà có sự phối hợp giữa các Ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cùng thực hiện như: Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Nông dân; Uỷ ban mặt trận tổ quốc; Liên đoàn lao động; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng;… trong năm tổ chức hơn 40 lớp truyên truyền và phối hợp với Trung tâm văn hóa điện ảnh tổ chức 15 đêm văn nghệ lưu động lồng ghép tuyên truyền về HIV/AIDS cho cư dân hải đảo và người dân miền núi trên địa bàn tỉnh nhằm lan tỏa thông điệp tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.
Bên cạnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức thành công các buổi tuyên truyền cho cán bộ và người dân từ tuyến huyện cho đến tuyến xã /phường/thị trấn. Công tác truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng phối hợp với 45 thành viên tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, xét nghiệm phản ứng nhanh với HIV trong cộng đồng tại 03 huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh, cấp phát hơn 20.000 tài liệu truyền thông, 600.000 vật dụng can thiệp cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao,…nhằm hỗ trợ thông tin và góp phần từng bước thay đổi hành vi nguy cơ của họ tại cộng đồng.
Tiếp tục với những hoạt động đã và đang mang lại hiệu quả cao, công tác truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng năm 2021 sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông vận động sự ủng hộ, tạo sự đồng thuận của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể ủng hộ cho các chương trình có liên quan đến đối tượng yếu thế tại địa phương; ký kết hợp đồng tổ chức các hoạt động truyền thông với 15 ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; truyền thông trực tiếp và gián tiếp các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; chương trình cấp phát vật dụng can thiệp (BCS, BKT, CBT); chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); giới thiệu các dịch vụ tư vấn, thăm khám, chăm sóc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các nhóm có nguy cơ cao ngoài cộng đồng; tổ chức các buổi tư vấn cho các nhóm đối tượng tiếp viên nhà hàng, khách sạn, chủ các cơ sở lưu trú, các nhóm kín về MSM;…để họ cập nhật thông tin, tiếp cận được với các dịch vụ chuyển tiếp liên quan đến HIV/AIDS, STIs, đồng thời họ chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ đầu mối trong việc tiếp cận với những đối tượng đích.
Khánh Nam