Chủ Nhật, 28/04/2024 04:15

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  23/08/2022 16:11     

Cần đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân


Đ/c Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị tại Hội nghị

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra ngày 20.8, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) Nguyễn Đình Khang đã kiến nghị những giải pháp để phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trọng tâm là chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bởi lẽ, con người luôn phải là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

Tập trung chăm lo cho người lao động ngay tại cơ sở

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh sau Tết Nguyên đán 2022, các doanh nghiệp có hiện tượng thiếu hụt lao động, Tổng LĐLĐ VN đã kịp thời nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động ở các địa phương thông qua Hội nghị trực tuyến toàn quốc. Sau Hội nghị, Tổng LĐLĐ VN có văn bản gửi ý kiến nghị, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo toàn bộ hệ thống Công đoàn triển khai đồng bộ giải pháp để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

Các cấp Công đoàn triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hóa việc chăm lo đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động ngay tại cơ sở; chủ động phối hợp với các cơ quan đề xuất, hoàn thiện các chính sách liên quan đến người lao động; bám sát, nắm tình hình, kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với người lao động, nhất là trong thời kỳ dịch COVID-19.

Tổng LĐLĐ VN tiếp tục phát huy vai trò đại diện của người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia để tham gia trình Chính phủ Nghị định 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động; phối hợp giám sát, thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ người lao động như tiền thuê nhà…; có ý kiến với các doanh nghiệp, đơn vị và lãnh đạo các tỉnh, ngành tháo gỡ khó khăn, giải quyết chế độ cho người lao động.

Trước tình hình quan hệ lao động có diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn cũng thực hiện các giải pháp trong việc phòng ngừa các tranh chấp lao động ngừng việc tập thể, tập trung tuyên truyền người lao động, người sử dụng lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt thoả ước lao động tập thể…

Cần thiết đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động

Để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, đại diện cho tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị:

Trước mắt, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua theo những mốc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ấn định, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, cấp thiết của những chủ trương, chính sách nhân văn đã ban hành.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương chú trọng hơn nữa trong kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật lao động về quyền lợi của người lao động như tiền lương, việc nghỉ ngơi, công tác an toàn vệ sinh lao động…

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: May mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, trí thức cao, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư… từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường.

Đặc biệt, cần thiết đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động (như nhà ở, khu khám chữa bệnh, khu vui chơi cho con người lao động) tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển như ở các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp. Đây là năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự an tâm, quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Đồng thời, phải tổ chức đào tạo kỹ năng, có khung chương trình đạo cơ bản, tăng thời gian thực hành, có thời gian nhất định để bồi dưỡng về chính trị, Nhà nước, giai cấp, bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân và người lao động.

Ngọc Tú

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9952040
Online
Hiện có: 26   Khách