Phụ nữ mang thai khi phát hiện nhiễm HIV nếu được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời hoặc được điều trị sớm bằng 3 thuốc kháng HIV (thuốc ARV), hơn 95% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị lây truyền HIV.
Tại tỉnh Khánh Hòa, chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bắt đầu triển khai vào năm 2008. Từ đó đến nay, hàng năm đã giúp nhiều phụ nữ mang thai tiếp cận sớm với các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc y tế khác lồng ghép với tư vấn xét nghiệm HIV và khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cán bộ y tế tiếp tục tư vấn về khám thai định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tại các cơ sở sản khoa hoặc cơ sở y tế trong tỉnh để được khám quản lý thai nghén; tư vấn về các vấn đề liên quan sức khỏe của mẹ (trước sinh, khi chuyển dạ và sau sinh), tình dục, dinh dưỡng cho mẹ và con sau sinh; được cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; được hướng dẫn về chăm sóc, điều trị ARV sớm cho bà mẹ và phát hiện sớm nhiễm HIV cho trẻ sau sinh... Kết quả là hàng năm có khoảng 16.000 lượt phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV (số quản lý được) được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bác sĩ Trần Văn Tin – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa rất quan trọng, lợi ích chương trình mang lại là góp phần giảm thiểu số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV (hơn 95% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị lây truyền HIV); giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị tốt hơn, kiến thức và nhận thức liên quan HIV được nâng lên; giúp cộng đồng giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV”.
Sẽ được điều trị theo phương án mới
Nhìn thấy được lợi ích của chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, vừa qua Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014 với chủ đề “Hướng tới không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ” trên phạm vi cả nước (từ ngày 1/6 đến ngày 30/6).
Bác sĩ Trần Văn Tin cho biết, hưởng ứng Tháng cao điểm này, từ quý III năm 2014, toàn tỉnh sẽ triển khai chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hai cách, đó là điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi bà mẹ nhiễm HIV mang thai được 14 tuần hoặc theo phương án B+ (phương án B+ là phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV mà không chờ kết quả đếm tế bào CD4 hoặc giai đoạn lâm sàng và tuổi thai); đồng thời thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV. Từng bước thực hiện xã hội hóa điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, khuyến khích bệnh nhân HIV/AIDS nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng mua bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần phí sử dụng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong thời kỳ mang thai, khi chuyển dạ và khi cho con bú.
Địa chỉ các cơ sở dịch vụ phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:
+ Tại Nha Trang:
- Nhà hộ sinh Hồng Bàng – 16 Hồng Bàng – ĐT: 3510295
- Đội sinh đẻ kế hoạch – 236 Trần Quý Cáp – ĐT: 3824641
- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản – 36 Yết Kiêu – ĐT: 3812607
- Khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh – 19 Yersin – ĐT: 3820603
+ Tại các huyện, thị xã, thành phố khác như: Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh: khoa sản bệnh viện hoặc Đội sinh đẻ kế hoạch.
BS. Trần Văn Tin