Tại tỉnh Khánh Hòa, hoạt động dự phòng và điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con bắt đầu triển khai từ năm 2008 đã góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
Thời gian qua, tại thành phố Nha Trang ngoài Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, các điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được mở rộng thêm ở Khoa sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Nhà hộ sinh Hồng Bàng và Đội bảo vệ bà mẹ, trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình thành phố. Tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại được tổ chức triển khai ở Khoa sản bệnh viện và Đội bảo vệ bà mẹ, trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình. Tại tuyến xã/phường được triển khai lồng ghép vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu tại Trạm y tế.
Khi phụ nữ mang thai phát hiện tình trạng nhiễm HIV, tiếp cận sớm với các dịch vụ, họ sẽ được tư vấn giúp giảm khủng hoảng, hiểu về lợi ích của việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, học được cách nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; được cung cấp đầy đủ thuốc ARV và sữa thay thế sữa mẹ... Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sau khi sinh con sẽ được chuyển về Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để cùng với phòng khám ngoại trú HIV/AIDS (OPC) phối hợp quản lý, theo dõi, chăm sóc, tiếp tục dự phòng và điều trị HIV/AIDS cho cả mẹ và con.
Bắt đầu từ năm 2014, Sở Y tế chỉ đạo và triển khai chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo phương án B+ trong phạm vi toàn tỉnh do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp tham mưu thực hiện. Theo phương án này, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị sớm bằng 3 thuốc ARV, không chờ kết quả đếm tế bào TCD4 hoặc giai đoạn lâm sàng. Chủ động phát hiện sớm kháng thuốc ARV, triển khai tốt điều trị ARV phát đồ bậc hai, duy trì tốt xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV. Từng bước thực hiện xã hội hóa điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, khuyến khích bệnh nhân HIV/AIDS nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng mua bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần phí sử dụng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Những khuyến cáo dành cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đi khám thai định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tại các cơ sở sản khoa hoặc cơ sở y tế trong tỉnh để được khám quản lý thai nghén; tư vấn về các vấn đề liên quan sức khỏe của mẹ (trước sinh, khi chuyển dạ và sau sinh), tình dục, dinh dưỡng cho mẹ và con sau sinh; được cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; được hướng dẫn về chăm sóc, điều trị ARV sớm cho bà mẹ và phát hiện sớm nhiễm HIV của trẻ sau sinh...
TT HIV