Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ
Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam là nước có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Đến 30/9/2014, toàn quốc đã có 224.223 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có hơn 70 nghìn trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Trong suốt 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương; mạng lưới Phòng chống HIV/AIDS rộng khắp toàn quốc; Việt Nam đã có nhiều mô hình thực hành tốt, áp dụng các tiến bộ trên thế giới, huy động được sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả là, trong vòng 6 năm trở lại đây, nước ta đã kiểm soát được dịch HIV trong cộng đồng dân cư trên cả 3 phương diện: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Việt Nam tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Một số tỉnh, một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 10.000 – 12.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, nâng tổng số lũy tích người nhiễm HIV còn sống tiếp tục tăng cao. Dịch HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng và đã cao hơn đường lây nhiễm vốn phổ biến là đường máu. Hậu quả kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em,. Trong khi đó, nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm, độ bao phủ của các dịch vụ can thiệp, dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS mới đạt khoảng 50%. Dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011 – 2015 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS” do Liên hợp quốc phát động, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã phát động trong cả nước Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2014, với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.
Để thiết thực triển khai các hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 trong công nhân, viên chức, lao động, các cấp CĐ trong tỉnh đã căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như: Tập huấn, truyền thông tại nơi làm việc; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS...
Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng ... tới CNVCLĐ và lồng ghép trong các sự kiện khác. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại nơi làm việc.
Các hoạt động của CNVCLĐ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 như là một thông điệp mạnh mẽ để một lần nữa khẳng định cam kết của các cấp CĐ cũng như mỗi người lao động về mục tiêu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” mà chúng ta đang hướng tới.
TG