Hội nghị tư vấn pháp luật và đối thoại với người lao động tại thành phố Cam Ranh
Đối thoại và thương lượng tập thể là nhu cầu tự thân, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động và tạo nên sức mạnh của tổ chức Công đoàn
Kỹ năng sát sườn
Trong các tổ chức, doanh nghiệp, những năm qua Công đoàn luôn là tổ chức tiên phong đứng ra đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tổ chức Công đoàn đã tiếp nhận và truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; quan tâm, chăm lo đến việc làm và đời sống của NLĐ, từ đó thu hút, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ; củng cố niềm tin của từng đoàn viên, NLĐ đối với tổ chức công đoàn; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với công nhân viên chức lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thực tế đã chứng minh nếu giữa người sử dụng lao động và người lao động có mâu thuẫn thì trước hết phải thông qua đối thoại, thương lượng tập thể. Đây chính là bước tiếp cận nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ). Thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm đưa ra các điều khoản có lợi cho NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần của NLĐ.
Hiện nay, để nâng cao chất lượng đối thoại và thương lượng tập thể thì trước hết doanh nghiệp hằng năm phải tổ chức hội nghị người lao động, đây là cơ hội cho NLĐ đối thoại, trao đổi định kỳ tại nơi làm việc. Từ đó, NLĐ và giới chủ có thể chia sẻ thông tin về tình hình quan hệ lao động, giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các cuộc thương lượng đột xuất để giải quyết những vấn đề cấp bách.
Phát huy nội lực tổ chức Công đoàn
Trong quá trình này, tổ chức Công đoàn cần phát huy tối đa nội lực trên cơ sở tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ về chất và lượng trong đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Khi đối thoại, CĐCS và NLĐ cần chú trọng thương lượng thang lương, bảng lương; tăng cường vai trò của cơ chế 3 bên, tạo động lực từ đối thoại, thương lượng tập thể cấp ngoài doanh nghiệp.
Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thương lượng tập thể, TƯLĐTT. Trong đó, hết sức chú trọng việc nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. LĐLĐ tỉnh coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức, được ưu tiên đầu tư nguồn lực và công tác chỉ đạo nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Để đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần có những đợt khảo sát, lập danh sách các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa bàn, có điều kiện phù hợp…để thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp như nhóm nghề du lịch, vận tải và triển khai trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đang hoạt động, đã thành lập CĐCS nhưng chưa ký kết TƯLĐTT thì công đoàn cấp trên hỗ trợ thương lượng tập thể. Những doanh nghiệp đang hoạt động, chưa thành lập CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đại diện tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT khi có yêu cầu của NLĐ hoặc kết hợp quá trình vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để thương lượng, ký kết TƯLĐTT cấp doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp. Những doanh nghiệp gia đình, siêu nhỏ, đã thành lập CĐCS nhưng gặp khó khăn trong thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp thì xem xét, tập hợp để thương lượng tập thể theo nhóm doanh nghiệp.
Việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng tập thể của các cấp công đoàn có hiệu quả, đã thể hiện được chức năng đại diện cho NLĐ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn.
Thu Trà