Vợ chồng chị Lê Thị Thảo hiện đang rất lo lắng
không biết phải chọn phương án gửi con như thế nào
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ngày một phát triển, mở rộng quy mô và thu hút nhiều lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Song hiện ở những nơi này lại chưa có nhà trẻ, trường mầm non đảm bảo, khiến không ít công nhân phải loay hoay với chuyện tìm nơi gửi con.
Loay hoay tìm nơi gửi con
Mấy tháng nay, vợ chồng chị Lê Thị Thảo, công nhân Công ty TNHH Ganllant Ocean Việt Nam (khu công nghiệp Suối Dầu) đi liên hệ nhiều nơi để gửi con chuẩn bị đi làm trở lai sau thời gian nghỉ sinh nhưng đều không được. Chị Thảo cũng đã liên hệ với một số trường mầm non, nhà trẻ công lập ở các xã xung quanh khu công nghiệp nhưng họ không tiếp nhận với lý do chị Thảo không có hộ khẩu tại địa phương. Chị Thảo chia sẻ: “Xuanh quanh khu công nghiệp chỉ có một vài nhà trẻ tư nhân. Đa số nhà trẻ này do hộ dân tự lập để trông trẻ là chính với giá 1,2 triệu đồng/tre/tháng. Vì thấy không đảm bảo nên tôi cũng rất lo lắng. Vợ chông tôi cũng đang bàn tính có khi phải gửi con về quê (tỉnh Phú Yên) để ông, bà chăm sóc giúp”.
Hơn 2 năm qua, chị Đỗ Thị Huyền, công nhân Công ty TNHH Việt Khánh Phú buộc phải gửi đứa con 3 tuổi ở nhóm giữ trẻ gia đình. Bởi vì, chỉ có nơi này mới giữ trẻ không nhất thiết phải đúng giờ, có thể gửi con sớm, đón con muộn để làm tăng ca. Đồng thời, chi phí gửi thấp, mỗi tháng chỉ mất khoảng 900.000 đồng/trẻ. Còn trường mầm non công lập, ngoài điều kiện và thủ tục nhập học khó thì chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính. Chị Huyền tâm sự: “Chúng tôi đi làm từ sáng tới chiều, đâu có ai đưa đón con. 2 vợ chồng cùng làm chung công ty, nếu phải nghỉ một người ở nhà để chăm sóc con thì không được. Các trường ở đây khi tiếp nhận trẻ đều yêu cầu gia đình phải có hộ khẩu hoặc KT3. Nhưng vợ chông tôi quê ở Bình Định, nhiều năm qua chỉ ở tạm trú, không có KT3 hay sổ hộ khẩu. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng nhà trẻ ở cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân an tâm làm việc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo nên có không ít công nhân phải gửi con về quê cho người nhà chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu), cho biết: “Do đặc thù công việc phải làm theo ca, trong khi khu công nghiệp lại không có nhà trẻ nên hết thời gian nghỉ sinh, tôi phải gửi con ở quê để ông bà nuôi dưỡng. Thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ nên cháu phát triển chậm hơn các trẻ khác”.
Hiện nay, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp đang rất cần nhà trẻ dành riêng cho con em họ
Cần có nhà trẻ cho con công nhân
Bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh cho biết, chỉ tính riêng đợt khảo sát nhu cầu gửi trẻ của hơn 1.000 tại Khu công nghiệp Suối Dầu cho thấy, có hơn 200 công nhân có nhu cầu cần nhà trẻ trong khu công nghiệp để gửi con. “Việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện nay là rất cần thiết. Bởi có rất nhiều công nhân ở ngoài tỉnh chưa có hộ khẩu ở tỉnh ta nên rất khó gửi con ở các trường công lập xung quanh nơi làm việc. Do đặc thù công nhân thường xuyên phải tăng ca nên việc gửi con, đón con cùng phải cần linh động theo thời gian công nhân làm việc. Do vậy, để làm việc có nhiều công nhân chấp nhận gửi con ở nhà trẻ tư thục không đảm bảo”.
Cũng theo Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh, đa số những nhà trẻ tư thục ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là những căn phòng có diện tích chật hẹp, nóng bức và không có sân chơi. Mỗi nhà trẻ có khoảng 15 cháu, với nhiều độ tuổi khác nhau, các cháu tự chơi với nhau cho đến khi bố mẹ đón về. Người trông trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mà là những ông, bà, những phụ nữ không có việc làm, tận dụng diện tích của gia đình để nhận trông giữ trẻ. Vì thế, việc tổ chức bán trú cho trẻ chưa đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh, không tính được định lượng khẩu phần ăn cho trẻ... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nuôi dạy, sức khỏe và độ an toàn của trẻ khiến công nhân không an tâm làm việc.
Ông Nguyễn Hòa – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Hiện nay Ban quan lý Khu kinh tế Vân Phong đang xây dựng kế hoạch để xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Suối Dầu. Do đó, theo tôi UBND tỉnh và các ngành chức năng cần tính toán có phương án bố trí một phần nhỏ diện tích ở khu vực này làm nhà trẻ, trường mầm non để tiếp nhân gửi trẻ cho con công nhân. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chủ trương, chính sách đầu tư mở rộng diện tích, quy mô tiếp nhận trẻ ở một số trường mầm non công lập tại những địa phương gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời có chính sách ưu tiên, tháo gỡ rào cản về thủ tục để tạo điều kiện tiếp nhận trẻ là con công nhân vào học. Có như vây mới tạo điều kiện cho công nhân an tâm làm việc và thu hút người lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc tại tỉnh ta”.
Theo ông Hòa, UBND tỉnh cũng cần xem xét lại vấn đề quy hoạch ở những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang dân hình thành trên địa bàn tỉnh theo hướng có quỹ đất xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho công nhân kèm theo. Bởi vì nếu không tính toán đến vấn đề cần thiết này thì sau này lại nãy sinh vấn đề thiếu nhà ở, nhà trẻ cho công nhân.
PHÚ VINH