UBKT LĐLĐ tỉnh làm việc tại cơ sở
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quyết định số 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020 ban hành quy định về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, thay thế Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đây được xem là công cụ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và thể hiện nhiều điểm mới so với Quyết định số 254/QĐ-TLĐ, để phù hợp với căn cứ là Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Theo Quyết định này, có một số điểm mới được bổ sung đáng chý ý về giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của tổ chức công đoàn.
- Về nội dung khiếu nại trong Chương II:
Tại Điều 9 được quy định: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ngoài ra, Điều 12 thay đổi “Thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại”, được đổi thành “Trưng cầu giám định”: Đối với các nội dung khiếu nại phức tạp, xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định.
- Về nội dung tố cáo ở Chương III:
Tại Điều 16 bổ sung thêm Khoản 6 về việc “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên công đoàn xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, nghỉ hưu”.
Điều 17 sửa đổi về thời hạn giải quyết tố cáo: Không quá 30 ngày (trước đây là 60 ngày), kể từ ngày thụ lý tố cáo. Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày (trước đây là 90 ngày); vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Mặt khác, Điều 19 quy định trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại từ 05 bước xuống còn 4 bước, bao gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Đồng thời Điều 21 bổ sung Khoản 7 về việc cho phép rút tố cáo: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Các chương còn lại giữ nguyên như Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014.
VP.UBKT