Trong những năm gần đây, việc sử dụng chất kích thích trong giới trẻ ngày càng tăng. Việc lạm dụng chất kích thích được xem là một trong những yếu tố làm tăng các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Cần hiểu đúng thực trạng này và có những giải pháp ngăn chặn để hướng tới mục tiêu hạn chế nhiễm HIV trong những người lạm dụng chất kích thích.
Chất kích thích là những chất đa dạng về đặc tính hóa học, có thể kích hoạt, làm gia tăng hoặc tăng cường hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Các tác dụng phổ biến nhất của chất kích thích bao gồm gia tăng sự tỉnh táo, tăng năng lượng và tạo cảm giác “phê”. Trên thực tế, có 03 loại chất kích thích được biết và sử dụng nhiều nhất: Cocain, chất kích thích dạng Amphetamine và chất kích thích hướng thần mới như Cathinones tổng hợp, Phenethylamines, Aminoindanes và Piperazine. Đôi khi chúng còn được biết đến dưới dạng “muối tắm”.
Khi sử dụng các loại chất kích thích đều có một số tác dụng phổ biến:
Về tâm thần: phê sướng, tăng ham muốn, giảm cảm giác thèm ăn và thèm ngủ, tăng nhận thức, tăng sự tỉnh táo, cải thiện hoặc làm suy giảm nhận thức (khả năng chú ý, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn), tăng cường độ cảm xúc và trạng thái phấn khích, tăng sự tự tin.
Về hành vi: nói nhiều, cảnh giác quá mức, tăng động, tăng sự hòa đồng, bồn chồn không yên, thay đổi hành vi tình dục (bao gồm khả năng kéo dài thời gian quan hệ), phản ứng nhanh hơn và lặp đi lặp lại một hành động; kích động quá mức, mất ngủ, hoảng loạn, thất thường và đôi khi là hành vi hung hăng hoặc bạo lực.
Về thể chất: tăng nhịp tim (bao gồm đánh trống ngực), tăng thân nhiệt (thân nhiệt cao), thay đổi tuần hoàn (huyết áp cao hơn, co mạch), tăng nhịp thở, khô miệng, nghiến răng/siết hàm, chuyển động mắt nhanh hơn và giãn nở đồng tử.
Thời gian khởi phát và kéo dài của các hành động này là khác nhau tùy theo từng loại chất cụ thể được sử dụng, liều lượng, đường sử dụng, đặc điểm tính cách của người sử dụng và bối cảnh sử dụng.
Sử dụng mãn tính chất kích thích có thể dẫn đến lệ thuộc mạnh mẽ về mặt tâm lý; tăng khả năng dung nạp; phá hủy các mô bên trong mũi nếu dùng đường hít hoặc ngửi; viêm phế quản mãn tính có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; suy dinh dưỡng và sụt cân; mất phương hướng; lãnh cảm; nhầm lẫn; kiệt sức vì thiếu ngủ; loạn thần hoang tưởng. Khi ngưng sử dụng, người dùng có thể bị trầm cảm và ngủ li bì trong thời gian dài.
Nguy cơ lây nhiễm HIV và viêm gan B/C liên quan đến sử dụng chất kích thích có mối liên hệ với tỷ lệ cao hơn với các hành vi quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn và âm đạo, dùng chung dụng cụ hút và tiêm chích trong một số quần thể đích (mại dâm, MSM, TCMT).
Việc sử dụng bao cao su không thường xuyên trong các nhóm người sử dụng các chất kích thích được xác định là con đường lây truyền chính các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bao gồm HIV, đặc biệt đối với người sử dụng chất kích thích có quan hệ tình dục thường xuyên trong thời gian dài với nhiều đối tác khác nhau hoặc quan hệ tình dục theo nhóm. Sử dụng chất kích thích có thể tạo điều kiện cho các hành vi nguy cơ cao như: thời gian xâm nhập lâu hơn (có thể gây rách bao cao su); nhiều kiểu quan hệ mạnh bạo như đút cả bàn tay vào âm đạo hoặc hậu môn (fisting) có thể làm rách hoặc chảy máu hậu môn và âm đạo.
Tiêm chích Methamphetamine, Cocain, hoặc NPS có nguy cơ lây nhiễm tương tự như tiêm chích các loại ma túy khác khi sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích. Vì các loại chất kích thích có thời gian tác dụng ngắn hơn sơ với các chất dạng thuốc phiện nên người dùng cần tiêm lại nhiều lần hơn, với tần suất cao hơn, bắt buộc tái diễn hành vi tiêm chích dẫn đến khả năng dùng chung và tái sử dụng bơm kim tiêm cao hơn. Nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan C cũng gia tăng khi kết hợp Cocain và Heroin (dạng Speedballing). Hành vi tiêm chích ma túy đồng thời với quan hệ tình dục sẽ càng làm tăng thêm khả năng lây nhiễm, đặc biệt là ở các cộng đồng có nguy cơ cao. Hành vi này được phát hiện ở nhiều bộ phận, ví dụ như sử dụng ATS tự chế còn có tên gọi “Bultushka” ở Ukraine. Những người tiêm Bultushka thường tham gia vào các hành vi tiêm chích và tình dục có nguy cơ cao sau khi sử dụng. Họ còn trẻ và nghèo, và phần lớn họ đã nhiễm HIV/AIDS.
Lây truyền viêm gan C thông qua tẩu hút, ống hút. Viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu, ít phổ biến hơn là lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Viêm gan C có thể lây truyền từ một người bị bệnh viêm gan C, có các vết loét ở miệng hoặc mũi, thông qua việc dùng chung tẩu hút và ống hút.
Tỷ lệ người mắc viêm gan C ở những người hút hoặc hít chất kích thích dao động từ 2,3 đến 17% và cao hơn nhiều so với những người không sử dụng. tuy nhiên, rất khó để xác định việc lây truyền viêm gan C trong những trường hợp này là do tiếp xúc với máu, do quan hệ tình dục hay do cả hai yếu tố trên.
Ngọc Ánh