Thứ Sáu, 29/03/2024 18:11

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  11/11/2020 09:14     

Các doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS


“Mạng lưới Quốc gia của những người sống chung với HIV tại Việt Nam” (VNP+) 

Từ năm 2012 đến nay, nhiều doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng trong toàn xã hội đã đóng góp tích cực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Ngày càng nhiều các tổ chức dân sự, các nhóm tự lực của người nhiễm HIV được thành lập chung tay cùng chính quyền các cấp chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV.

Theo số liệu thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, hiện trên cả nước có hơn 1200 Doanh nghiệp xã hội (DNXH), các Tổ chức cộng đồng, mạng lưới cấp quốc gia và liên minh các tỉnh tiếp tục phát triển. “Mạng lưới Quốc gia của những người sống chung với HIV tại Việt Nam” (VNP+)  được thành lập năm 2008 và đăng ký tư cách pháp nhân năm 2009 có sự tham gia của hơn 70 nhóm và các liên minh của những người nhiễm HIV. Hoạt động của các mạng lưới tương tự như  “Vì ngày mai tươi sáng” (Bright future), “Hy vọng” (Hope),…cũng kiện toàn hơn về tổ chức và hoạt động chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Cũng trong thời gian qua các mạng lưới IDU (người nghiện chích ma túy), MSM (Nam quan hệ tình dục đồng giới nam), FSW (nữ lao động tình dục), cũng đã được thành lập tạo nên các mạng lưới hỗ trợ cho các nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Các câu lạc bộ dưới sự điều hành của các mạng lưới trên toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nhằm giảm nhẹ các tác động của HIV thông qua hỗ trợ những người nhiễm HIV và gia đình của họ.

Diễn đàn Xã hội Dân sự hợp tác phòng, chống AIDS (VCSPA) hỗ trợ việc thành lập các nhóm cộng đồng mới, như nhóm những người sử dụng ma túy, người hành nghề mại dâm hoặc nhóm các bạn tình của họ; tổ chức các hoạt động như xây dựng khung theo dõi và đánh giá cho xã hội dân sự. VCSPA có khoảng 200 thành viên từ các tổ chức Phi Chính phủ (NGO) trong nước, các Tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và các Tổ chức Tôn giáo (FBO). Hàng năm VCSPA tổ chức các diễn đàn tạo cơ hội cho các tổ chức cộng đồng, DNXH tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.

Tổ chức cộng đồng – Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE Center) phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, dự án Qũy toàn cầu đã hỗ trợ các nhóm yếu thế tại 06 tỉnh khu vực phí nam, trong đó có Khánh Hòa. Từ năm 2017 đến nay, các dự án Ô (dự án thành phần về phòng, chống HIV/AIDS) do LIFE điều phối, hỗ trợ thành lập 03 CBOs (Tổ chức dựa vào cộng đồng) bao gồm Sóng Biển – Ninh Hòa; Bạn và Tôi – Cam Ranh; Bồ Công anh – Nha Trang với 42 thành viên được đào tạo bài bản và chuyên sâu trong lĩnh vực Phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, các CBOs này trực tiếp thực hiện xét nghiệm phản ứng nhanh với HIV cho cá nhân có nhu cầu, và các nhóm đích, góp phần không nhỏ trong việc phân loại đối tượng ngay tại địa bàn dân cư đồng thời kết nối dịch vụ đến các Trung tâm y tế các huyện, thị xã, trong tỉnh.

Dự án thành phần VUSTA- Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã trở thành đơn vị nhận tài trợ chính đã khẳng định vai trò dẫn dắt các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Với kinh nghiệm và mạng lưới hoạt động rộng đã có đóng góp quan trọng vào các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS quốc gia. Giai đoạn 2012-2019, các Tổ chức cộng đồng đã trở thành đối tác chính trong các hoạt động cung cấp dịch vụ. Nhiều tổ chức NGO, CBOs, FBOs đã ký kết hợp đồng với các dự án để cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm phản ứng HIV nhanh tại cộng đồng dân cư, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP),…

Các Tổ chức cộng đồng cũng đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách, quản lý điều hành và giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS Quốc gia như Trung tâm LIFE, SCDI, VNP+, NGO Fontana,…đã cung cấp số liệu và tham gia đóng góp ý kiến cho “Nghị định về quản lý cai nghiện tại trung tâm”, đóng góp ý kiến cho dự thảo  “Luật về Hội” và xây dựng “Hướng dẫn về can thiệp HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới”, đồng thời hỗ trợ các nhóm cộng đồng, các nhóm tự lực thành lập các Doanh nghiệp xã hội (DNXH).  Mô hình này đang chứng tỏ là một đối tác hỗ trợ tích cực và ngày càng hiệu quả cho Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững. Nhiều DNXH với ý tưởng sáng tạo thành công đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xã hội, Y tế - sức khỏe và môi trường, đó là các DNXH như: D-Link; Alo Boy; Đá khóc – Rock Cry;….là một trong những DNXH chuyên hỗ trợ và tư vấn khám sức khỏe cho người đồng giới và chuyên hỗ trợ dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao khu vực phía nam.

Sự tham gia tích cực của các Tổ chức cộng đồng, các DNXH đã và đang góp phần tăng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho nhóm có nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư và đặc biệt giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS, góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch AIDS của cả nước vào năm 2030.

Nam Ka

 

 

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9841105
Online
Hiện có: 172   Khách