Thứ Sáu, 26/04/2024 09:44

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  28/05/2021 14:32     

Chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động của công đoàn tỉnh Khánh Hòa


Đoàn Công tác khảo sát phòng chống Covid-19 tại Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco

Dịch Covid-19 lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, khó chữa trị, đã trực tiếp tấn công vào công nhân lao động, nhất là mốt số khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dựa trên báo cáo của các cấp Công đoàn tính từ 27/4/2021 đến 20/5/2021 đã có hơn 600 ca trên tổng số 1.678 ca dương tính với Sars-CoV-2 trong cộng đồng là đoàn viên, người lao động. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp ngừng hoạt động.


Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo CĐCS  Công ty TNHH Thanh Khuê
 

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa từ ngày 01/4/2021 đến ngày 25/5/2021 có 93 doanh nghiệp báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, cụ thể như sau:

- Cơ sở lao động có rất ít nguy cơ: 52 cơ sở lao động.

- Cơ sở lao động có nguy cơ lây nhiễm thấp: 37 cơ sở lao động.

- Cơ sở lao động có nguy cơ lây nhiễm trung bình: 04 cơ sở lao động.

- Cơ sở lao động có nguy cơ lây nhiễm cao: không.

- Cơ sở lao động có nguy cơ lây nhiễm rất cao: không.

LĐLĐ tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với 12 doanh nghiệp trên địa bàn thành tỉnh Khánh Hòa. Qua kiểm tra đã ghi nhận một số nội dung sau:

- Chỉ có một số doanh nghiệp đã thực hiện quét mã QR Code để khai báo y tế, kiểm tra, giám sát, truy vết dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc hàng ngày đúng quy định, một số doanh nghiệp chưa triển khai.

- Đa số các doanh nghiệp đã thực hiện trang bị dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, đo thân nhiệt, treo dán thông điệp 5K tại cổng ra vào doanh nghiệp, nhưng tại các vị trí như phân xưởng, nhà ăn, nhà vệ sinh thì chưa trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, thông điệp 5K.

- Các doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ khẩu trang y tế cho người lao động đồng thời bố trí người giám sát sử dụng khẩu trang khi làm việc.

- Các doanh nghiệp đã thực hiện bố trí vách ngăn, ngồi so le, vệ sinh, khử khuẩn tại nhà ăn tập đảm bảo theo quy định.

- Đa số các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên kế hoạch vẫn còn chung chung, chưa sát với thực tế của doanh nghiệp, kế hoạch chưa đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG như: thiếu phương án xử lý đối với tình huống khi người lao động tại doanh nghiệp có các triệu chứng ho, sốt, nghi ngờ bị lây nhiễm Covid-19.

- Đa số các doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tuy nhiên lại thiếu thành phần y tế, công đoàn, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể.

- Các doanh nghiệp đã chú trọng tuyên truyền, tập huấn phòng chống dịch bệnh cho ngƣời lao động.

- Việc cập nhật lên bản đồ an toàn Covid: Đa số các doanh nghiệp đều chưa thực hiện.

- Hầu hết các doanh nghiệp chưa tổ chức ký cam kết phòng chống dịch Covid-19 với các công ty đối tác (cung cấp nguyên vật liệu, thực phẩm)

Để kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, không để dịch lây lan tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cấp Công đoàn cần cảnh giác cao độ, sẵn sàng “trực chiến” vì dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều ca ở trong cộng đồng và triển khai một số nội dung sau:

- Khi phát hiện ca mắc cần tập trung phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

- Vận động, kêu gọi đoàn viên, người lao động tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động về quê cách ly tại nhà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển; kêu gọi sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp về tài chính, hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm lo đoàn viên, người lao động; hỗ trợ, chi viện cho công nhân lao động và các địa phương đang có dịch.

- Chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ tiền lương cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và công nhân lao động đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan nhà nước.

- Thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, khai báo y tế.

- Các nhà ăn tập thể phải bố trí ngồi dãn cách, có vách ngăn, sát khuẩn bề mặt thường xuyên…

- Yêu cầu công nhân thực hiện khai báo y tế hàng ngày.

- CĐCS phối hợp với doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid, nếu không an toàn thì dừng hoạt động để chấn chỉnh, an toàn thì tiếp tục hoạt động.

- Trong trường hợp phát hiện F0, phải khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt…), hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân.

Quốc Trưởng – VP Tư vấn pháp luật

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9944943
Online
Hiện có: 349   Khách